Nguồn gốc của những phong tục trong đám cưới
Lễ cưới của người Việt Nam ngày nay là tổng hợp các phong tục cưới của nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Chẳng hạn, chữ “song hỉ” bắt nguồn từ Trung Quốc. Váy cưới đẹp, khăn voan, nhẫn cưới, bánh cưới, … lại bắt nguồn từ Châu Âu.
Phù dâu và phù rể
Phù dâu và phù rể vào thời đại mà tục lệ cướp vợ trở nên phổ biến, bạn bè thân của chú rể đóng một vai trò rất lớn trong âm mưu bắt cóc cô dâu.
Gia đình nhà trai và người chủ hôn lễ chẳng khác gì một đội phiến quân nhỏ. Khi cướp được cô gái, họ có trách nhiệm đánh trả lại nhà cô dâu, hòng tạo điều kiện cho chú rể đưa cô dâu đi trốn an toàn.
Về sau, phù dâu ăn mặc gần giống với cô dâu còn đội quân “phiến loạn” lại mặc gần giống với chú rể. Tục lệ này không mang tính nghi thức mà chỉ đơn giản đánh lạc hướng ma quỷ và những kẻ ghen tuông muốn gây hại tới cô dâu chú rể
Hoa cô dâu
Trước khi có những bó hoa cô dâu cầu kỳ như ngày nay, thì cô dâu thường ôm theo mình một bó “hoa” bao gồm những nhánh tỏi, cỏ và lúa mỳ. Dần dần, thành phần của bó hoa này được thay thế bằng những loại hoa lạ, hiếm và được bó một cách cầu kỳ, sang trọng hơn.
Hoa cưới cũng mang biểu tượng của một tình yêu bất diệt và nhằm chúc phúc cho cô dâu chú rể sinh được nhiều con cái. Ở những nền văn hóa khác nhau, cách dùng hoa tươi cũng có nhiều điều đặc biệt.
Chẳng hạn như tại đảo Hawaii, cô dâu chú rể thường đeo trên cổ một vòng hoa đủ sắc màu, còn những cặp vợ chồng mới cưới người Ấn Độ lại cài hoa lên tóc.
Áo cưới đẹp
Vào thế kỷ thứ 18, cô dâu thuộc gia đình hạ lưu thường mặc những chiếc áo choàng đơn giản với hàm ý rằng không mang về nhà chồng một chút của cải nào.
Cho đến khoảng giữa thế kỷ 18, trang phục của cô dâu đã được cải tiến bởi phong cách trang trí tinh tế, màu sắc áo cưới cũng đa dạng không kém. Trong đám cưới của mình, nữ hoàng Victoria đã diện một chiếc áo cưới trắng muốt và chính bà là người đã khai sinh kiểu mặc áo cưới trắng ngày nay.
Khăn voan
Theo lệ thường ở Châu Âu, chỉ có những người phụ nữ đã có chồng mới choàng khăn. Đây là một cách thông tin cho những chàng trai khác về sự chung thủy của mình.
Sau này, có tục lệ chú rể phải mặc cả, thỏa thuận với cha của cô dâu khi muốn cưới con gái ông ta, vì thế trong đám cưới, cô dâu thường choàng lên đầu một chiếc khăn voan như là một biểu tượng của sự ngoan ngoãn phục tùng chồng.
Chỉ sau khi lễ cưới hoàn thành, mới được lật tấm khăn voan ra để xem mặt cô dâu. Vào thế kỷ 16, những chiếc khăn voan cô dâu đã được cải tiến và cách điệu rất nhiều. Cũng từ sau đám cưới của nữ hoàng Victoria, khăn voan với những dải đăng ten mềm mại được phụ nữ trên toàn thế giới ưa chuộng.
Bánh cưới
Tại các đám cưới diễn ra ở thành Roma, người dân có tục lệ tung hạt lúa mỳ lên người cô dâu chú rể nhằm chúc phúc cho đôi tình nhân có một cuộc sống sung túc, viên mãn và sinh nở nhiều con cái.
Nhưng chẳng lâu sau, những người thợ làm bánh mỳ nơi đây đã sáng tạo ra một kiểu khác, họ xay bột và nặn ra những chiếc bánh ngọt nhỏ xíu để mọi người có thể ăn trong ngày vui của đôi tân hôn. Tuy nhiên, những vị khách mời lại không hiểu được ý tưởng này, thay vì ăn họ lại ném vào người cô dâu chú rể. Những chiếc bánh nhỏ xinh đó có thể gây đau đớn, có thể không, nhưng dù sao đi nữa thì đôi uyên ương cũng cảm thấy khó chịu.
Cuối cùng thì cũng đi đến một sự thỏa hiệp, người ta quyết định làm một chiếc bánh lớn, bóp vụn một nửa và rắc lên đầu cô dâu, còn nửa kia thì cô dâu và chú rể phải ăn cho bằng sạch.
Người ta cho rằng nếu đĩa bánh càng cao thì cuộc sống sau này của cô dâu chú rể sẽ càng hạnh phúc và giàu có. Đồng thời, cô dâu chú rể cũng phải đứng hôn nhau qua chồng bánh.
Vào thế kỷ 17, một nghệ nhân làm bánh người Pháp đã quyết định thay thế chồng bánh thập cẩm thành một chiếc bánh duyên dáng với nhiều tầng xếp lên nhau, ông còn dùng mứt và kẹo viên xinh xắn để trang trí bánh. Chiếc bánh cưới ngày nay chính là một phiên bản thành công của chiếc bánh hồi thế kỷ 17. Tục lệ hôn nhau qua bánh, cắt bánh mời quan viên hai họ cũng vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay.
Nhẫn cưới
Ai Cập cổ đại là miền đất sản sinh ra tục trao nhẫn, bởi người Ai Cập là cư dân đầu tiên trên trái đất này lấy vòng tròn làm biểu tượng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chàng trai thường trao chiếc nhẫn vào ngón áp út lên bàn tay trái của cô gái (cho tới nay tục lệ này vẫn được giữ) bởi vì chàng tin rằng huyết mạch tình yêu sẽ chảy từ ngón tay này đến thẳng trái tim.
Những chiếc nhẫn thời đó được làm từ rất nhiều chất liệu, có thể là da, sừng hay xa xỉ hơn là kim loại. Một điều thú vị nữa, không phải lúc nào nhẫn cưới cũng được đeo ở tay trái ngón út. Điển hình là trong năm tháng dưới sự trị vì của nữ hoàng Elizabeth, những người giàu có thường đeo một chiếc nhẫn to tướng trên ngón tay cái, còn vào thế kỷ XVIII thì người theo Thiên Chúa giáo La Mã lại đeo nhẫn ở bên tay phải. Và hiện tại nhiều phụ nữ châu Âu vẫn giữ kiểu đeo này.
Nhẫn vàng, một trong những loại nhẫn cưới phổ biến nhất hiện nay, trước kia được xem là biểu tượng của sự hưng thịnh và vương giả. Có một thời nhẫn cưới là phần sính lễ không thể thiếu mà chú rể phải cống nạp cho nhà cô dâu, đồng thời nhẫn vàng cũng chứng tỏ gốc gác quý tộc của chú rể.
Việc mua nhẫn cưới cũng lưu truyền nhiều chuyện khôi hài, chẳng hạn như nếu cô dâu tương lai đi mua nhẫn cưới vào ngày thứ Sáu thì cuộc hôn nhân sẽ không được suôn sẻ bởi ngày thứ Sáu bị coi là ngày đen đủi. Cô dâu và chú rể cũng không được phép đeo nhẫn cưới trước khi lễ cưới được tiến hành.
Chụp ảnh cưới, ảnh cưới đẹp, hình cưới đẹp, studio chụp ảnh cưới đẹp ở hà nội, studio Lavender
(st)
Leave a comment